Tại thủ đô Manila của Philippines, hàng ngàn người dân đang sử dụng nghĩa trang để làm nơi ở cho mình.
Nhà ở được coi là vấn đề nan giải tại thủ đô Manila, Philippines - nơi hàng ngàn người dân buộc phải biến khu nghĩa trang thành chốn nương thân của mình.
Manila là một thành phố nhộn nhịp, đông đúc với dân số khoảng 12 triệu người. Nó được xếp thứ 11 trong số các khu trung tâm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, có khoảng 40% dân số sống dưới mức nghèo khổ, thường tập trung tại khu ổ chuột mà không có đủ khả năng để chi trả cho điều kiện sống tốt hơn.
Khả năng tài chính quá mức hạn hẹp cùng với sự khan hiếm nhà đất đô thị là lý do vì sao nhiều người đã tìm đến nghĩa trang Bắc Manila và gọi đây là "nhà".
Nghĩa trang Bắc Manila là nghĩa trang lớn nhất và cổ nhất của thành phố. Với diện tích khoảng 22ha, nơi đây là nơi cư trú của những người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội.
Những tấm đá cẩm thạch của lăng mộ trở thành chiếc giường của họ.
Khu nhà ở của người dân nơi đây được tạo nên bằng những tấm gỗ hay tôn sắt, xếp chồng lên nhau phía trên hàng trăm ngôi mộ đá. Những tấm đá cẩm thạch của lăng mộ trở thành chiếc giường của họ. Đường điện được cung cấp từ một khu phố gần đó, trong khi nguồn nước lấy từ những chiếc giếng đào xung quanh nghĩa trang.
Khu nghĩa trang này dần biến thành một “đô thị” nhỏ. Trên thực tế, “thành phố nghĩa trang” này phát triển khá mạnh mẽ với mạng lưới đường phố, ngõ hẻm rộng lớn và phức tạp, len lỏi giữa hàng chục ngàn ngôi mộ. Tận dụng khoảng trống, những nam thanh niên dựng lên cột chơi bóng rổ.
Các quầy hàng thức ăn nhanh, thực phẩm và thuốc lá mọc lên để phục vụ người dân và những người tham dự tang lễ hay đến thăm mộ. Thậm chí, tại “thành phố nghĩa trang” này còn có cả quán karaoke hay thậm chí cả các quán cà phê Internet.
Tuy nhiên, nơi đây vẫn là một nghĩa trang đúng nghĩa với đầy đủ chức năng của nó khi có tới khoảng 80 đám tang diễn ra mỗi ngày.
Nhiều cư dân trong khu nghĩa trang đã tìm được việc làm nhờ những người đã mất. Các thanh thiếu niên giúp mang quan tài với giá 50 peso Philippines (tương đương với khoảng 10.000 VND). Trẻ em thu thập các loại phế liệu như kim loại, nhựa và rác thải để bán.
Những người khác làm công việc trông coi và chăm sóc ngôi mộ. Họ bảo vệ ngôi mộ khỏi lũ trộm thường đến đây ăn cắp xương và đồ trang trí của người quá cố.
Khá khó để có thể nói chính xác được thời gian mà cư dân đầu tiên của “thành phố” này chuyển đến sống tại đây. Những người di cư tới đây vào thập niên 1950 nói rằng, lúc họ đến đã có rất nhiều người sống ở đó.
Trong thập niên 1990, dân số Philippines tăng cao bởi sự đô thị hóa, số dân di cư vào các thành phố ngày càng lớn. Tính đến năm 2012, ước tính có khoảng 6.000 người sống trong nghĩa trang này.
Theo một cách nào đó, những người dân sống tại khu nghĩa địa này đang có một cuộc sống ổn định và khó có thể gọi là “nghèo khó”. Đương nhiên, điều kiện sống của họ không phải là một thứ đáng để ai đó ghen tị.
Với bản năng sinh tồn mạnh mẽ của mình, họ đã tự tạo ra được một cuộc sống khá tốt đẹp và trên hết là vui vẻ.
Ngoài những công việc như chăm sóc mộ hay thu nhặt phế liệu, ở đây cũng có những thợ may, chủ thẩm mỹ viện hay cả các giáo viên. Tất cả đều chung sống hòa bình giữa các khu mộ trong nghĩa trang lớn này.
Trong những năm qua, các nhà chức trách thành phố đã nỗ lực tìm phương án nhằm di chuyển người dân ra khỏi nghĩa địa, cung cấp các sự lựa chọn về nơi ở khác nhau cho họ. Tuy nhiên, có rất nhiều người trong số các gia đình được tái định cư nơi khác mong muốn trở về ngôi nhà cũ này.
Có vẻ như họ thích sự tiện nghi trong khu nghĩa địa hơn là các đề nghị không mấy hấp dẫn của chính phủ. Những lăng mộ nơi đây cũng cung cấp cho họ sự chắc chắn và gần gũi hơn với công việc.
Theo đó, “thành phố nghĩa trang” này không chỉ là nơi sống tạm của những người dân nghèo khó mà nó đã thực sự biến thành “ngôi nhà” của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét