Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Giúp bé chọn mua ba lô phù hợp

Ba lô là vật dụng quen thuộc và hữu ích cho tất cả học sinh ngày nay. Nó không những giúp trẻ mang sách vở đến lớp một cách dễ dàng mà đồng thời ba lo còn là một phương tiện đựng hành lý thông dụng trong những chuyến dã ngoại.

Mục đích của việc sử dụng ba lô chính là nhằm chuyển tải trọng lượng của vật được mang theo sang những cơ khỏe, có thể chịu lực của cơ thể. Tuy nhiên, nếu không chú ý thì việc sử dụng ba lô có thể để lại những chứng đau nhức thường xuyên ở vùng vai, cổ, đặc biệt có thể gây nên chứng cong vẹo cột sống.
 
Để giúp trẻ tránh những phiền phức khi sử dụng, các bậc phụ huynh nên chú ý trong việc giúp trẻ chọn mua ba lô cũng như hướng dẫn trẻ cách đeo phù hợp.

Khi mua ba lô: Nên chọn những loại ba lô có dây đeo ở hai bên nhằm phân phối trọng lượng đều trên hai vai. Dây đeo phải rộng và được nhồi bông hoặc được lót vải mềm. Tuyệt đối không nên chọn loại ba lô có dây đeo nhỏ và hẹp vì khi sử dụng, dây đeo sẽ hằn sâu lên bờ vai, gây khó khăn trong việc lưu thông máu. Hầu hết ba lô đều có dây đeo ở phía sau.

Do vậy cần kiểm tra kỹ mặt sau của ba lô, nơi tiếp xúc trực tiếp với lưng khi sử dụng. Nên chọn loại ba lô mà mặt sau của nó được bọc vải mềm hoặc có lót thêm bông. Cần phải bảo đảm tính thoáng khí của nó khi sử dụng. Điều này đặc biệt có ích trong những ngày nóng nực. Nên chọn loại balô có dây đeo chằng ngang qua hông nhằm phân phối lực đều trên các cơ. Không nên chọn những loại ba lô quá lớn so với nhu cầu của trẻ.
Trẻ sử dụng ba lô đúng cách khi mang ba lô đều trên hai vai, không nên chỉ sử dụng một dây đeo vì như vậy sẽ dễ làm tổn thương cơ vai, đặc biệt khi sách vở hoặc đồ đạc quá nặng. Đeo ba lô sát vào lưng. Chỉ nên mang theo những vật dụng thật sự cần thiết. Không nên mang quá nhiều đồ đạc hay sách vở trong ba lô.

Trọng lượng tối đa cho phép có thể mang là 15% trọng lượng của trẻ. Nếu thật sự cần phải mang nhiều sách vở hay đồ đạc, nên chọn những loại nào cần cho vào ba lô, còn lại nên cầm ngoài tay để giảm bớt sức đè lên cơ thể.

Nên sắp xếp đồ đạc một cách hợp lý nhằm tiết kiệm không gian. Những vật nặng nên cho vào giữa để tránh làm cho ba lô bị tròng trành khi di chuyển. Khi cúi xuống, nên gập cong hai đầu gối, không nên chỉ cúi người xuống bằng cách gập phần cơ thể từ hông trở lên. Điều này sẽ rất hữu ích khi mang nhiều đồ đạc, sách vở trong ba lô.

Trong trường hợp trẻ không thật sự cảm thấy thoải mái với balô, hãy giúp trẻ hiểu và thực hành đúng cách. Cần chú ý theo dõi các biểu hiện đau vai và các thương tổn khác của trẻ như sưng tấy, nổi mẩn đỏ... do sử dụng ba lô, bởi đấy có thể là những dấu hiệu thương tổn ban đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét