Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Một bệnh nhân ở Thanh Hóa được cứu sống nhờ... tin nhắn facebook

Nhận được tin nhắn facebook từ một đồng nghiệp của mình về ca ngộ độc thuốc tê toàn thân ở Thanh Hóa, từ TP. HCM, BS Nguyễn Anh Tuấn nhanh chóng tư vấn và gửi phác đồ điều trị để cứu sống bệnh nhân này.

Ngày 10/9, khi đang theo dõi bệnh nhân trong phòng mổ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM (Q.5, TP. HCM), bác sĩ (BS) Nguyễn Anh Tuấn nhận được tin nhắn facebook của một đồng nghiệp tại Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung Ương Hà Nội là bác sĩ gây mê hồi sức Nguyễn Thị Mão nhờ tư vấn cho một biến chứng sau khi gây tê.

Theo BS Mão, một bệnh viện T. tại tỉnh Thanh Hóa đã liên lạc cầu cứu bác sĩ về trường hợp hôn mê sau khi gây tê vùng thần kinh, để chuẩn bị mổ một nam thanh niên khỏe mạnh 26 tuổi bị gãy xương đòn. Ngay sau khi tiêm thuốc tê, bệnh nhân này rơi vào trạng thái hôn mê, không phản xạ, đồng tử giãn nhưng huyết áp và nhịp tim vẫn gần như bình thường. Bản thân BS Mão cũng không biết nguyên nhân của hiện tượng hôn mê này là gì, nên điện thoại cho bác sĩ Tuấn nhờ tư vấn, thế nhưng do điện thoại bác sĩ Tuấn không liên lạc được nên BS Mão nghĩ ngay đến việc phải gửi tin nhắn qua facebook nhờ giúp đỡ.

Ngay sau khi nhận được tin nhắn facebook, bác sĩ Tuấn đã gọi điện thoại lại cho bác sĩ Mão, vừa được bác sĩ Mão cung cấp thông tin bệnh nhân, bác sĩ Tuấn đã nhận định đây là ca ngộ độc thuốc gây tê toàn thân (NĐTTTT) (tên tiếng Anh là LAST - Local Anesthetics Systemic Toxicity), nhưng ở thể không điển hình. Ngay lập tức BS Tuấn gửi cho BS Mão một phác đồ cấp cứu bằng phương pháp lipid 20% qua facebook.

Vẫn không yên tâm, BS Tuấn nhờ BS Mão cung cấp số điện thoại của ông cho bác sĩ tại bệnh viện T. tỉnh Thanh Hóa, để bác sĩ này gọi ngay đến cho ông trực tiếp nắm bắt tình hình và hướng dẫn phương pháp sử dụng lipid 20% truyền tĩnh mạch nhanh để cấp cứu. Sau khi truyền dung dịch lipid 20% khoảng 15 phút, bệnh nhân bắt đầu hồi tỉnh trở lại và hồi phục hoàn toàn sau khoảng nửa giờ. Cảm xúc như vỡ òa, nhẹ nhõm trong lòng một bác sĩ giàu lòng nhân ái



Vì điện thoại bác sĩ Tuấn không thể liên lạc, bác sĩ Mão đã nhắn tin nhờ bác sĩ Tuấn tư vấn qua tin nhắn facebook - (Ảnh bác sĩ Tuấn cung cấp).



Bác sĩ Tuấn chia sẻ: "NĐTTTT là một biến chứng không phải là hiếm gặp khi gây tê. NĐTTTT có thể xảy ra ngay cả khi sử dụng thuốc tê đúng chỉ định, đúng phuơng pháp, đúng liều dùng. NĐTTTT xảy ra do một số lượng đáng kể thuốc tê đã đi vào mạch máu. Thuốc tê sẽ ảnh hưởng lên các cơ quan, đặc biệt là não và tim gây ra các biểu hiện ngộ độc của hai cơ quan này. Các biểu hiên NĐTTTT có thể từ nhẹ đến nặng. Nếu không phát hiện và cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mang. Trường hợp bệnh nhân nam (xin giấu tên) 26 tuổi ở Thanh Hóa là môt trường hợp NĐTTTT không điển hình, nên ngay cả các các bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức ít kinh nghiệm cũng không nghĩ đến, và vì thế không biết cách xử lý đúng. Vì đã có kinh nghiệm với các trường hợp NĐTTTT nên tôi đã nghĩ ngay đến nó và hướng dẫn điều trị kịp thời để cứu tính mạng bệnh nhân”



Nhận thấy sự việc sẽ diễn biến xấu và nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân, bác sĩ Tuấn tư vấn ngay trong phòng mổ qua tin nhắn facebook - (Anh bác sĩ Tuấn cung cấp).

Nói về vai trò của dung dịch Lipid 20% trong cấp cứu điều trị NĐTTTT, bác sĩ Tuấn cho biết thế giới đã áp dụng trong gần 10 năm nay. Từ năm 1998, BS Gây Mê người Mỹ Gui Weinberg và cộng sự đã phát hiện ra rằng dung dung dịch lipid nồng độ cao có thể làm hồi sinh những trường hợp ngưng tim do ngộ độc thuốc tê trên động vật thí nghiêm. Năm 2006, bác sĩ gây mê Gui Weinberg người Mỹ là người thông báo đầu tiên về việc sử dụng dung dịch lipid 20% để cấp cứu thành công cho một người bệnh bị ngưng tuần hoàn do NĐTTTT, sau khi các biện pháp cấp cứu thông thường thất bại. Kinh nghiệm này nhanh chóng phổ biến trên toàn thế giới.

Hiện nay, lipid 20% đã nằm trong dach sách thuốc bắt buộc khi cấp cứu NĐTTTT ở các nước phát triển. Phương pháp có thể áp dụng trên toàn thế giới, và đưa vào phác đồ xử lý ngộ độc thuốc tê toàn thân ở các cơ sở có sử dụng phương pháp gây tê. Bản thân bác sĩ Gui Weinberd đã tạo ra một trang web riêng để phổ biến kinh nghiệm về việc sử dụng lipid 20% trong cấp cứu NĐTTTT (www.lipidrescure.org)


Không yên tâm khi tư vấn qua facebook, bác sĩ Tuấn đã trực tiếp tư vấn cho bác sĩ tại tỉnh Thanh Hóa qua điện thoại, và thở phào nhẹ nhõm khi biết bệnh nhân qua cơn nguy kịch từ phương pháp lipit 20% - (Ảnh do bác sĩ Tuấn cung cấp).

Theo BS Tuấn, ông biết đến phương pháp sử dụng lipid 20% để điều trị NĐTTTT khi đang theo học về chuyên ngành giảm đau tại BangKok, Thái Lan. Năm 2014 ông cũng đã trực tiếp điều trị thành công một trường hợp NĐTTTT trên bệnh nhân do chính ông gây tê bằng dung dịch lipid 20%. "Sau khi tôi thực hiện việc cấp cứu này, nhận thấy tác dụng của lipid 20% là rất quan trọng và thiết thực để cứu mạng người trong thực tiễn, tôi đã làm một báo cáo về trường hợp ngộ độc thuốc gây tê toàn thân tại Đại hội hồi sức toàn quốc ở Đà Lạt tháng 11/2014, báo cáo này cũng được đăng trên Tạp chí Y học thực hành của Bộ Y Tế. Sở dĩ lipid nồng độ cao 20% có tác dụng trong NĐTTTT vì nó hoạt động như một nam châm hút các phần tử thuốc tê đang gắn vào các tổ chức ở Tim, thần kinh trung ương và làm cho các cơ quan này phục hồi", bác sĩ Tuấn chia sẻ.


Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn là một bác sĩ gây mê hồi sức có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với công việc của mình.

Nói về việc sử dụng facebook trong công việc chuyên môn, bác sĩ Tuấn cho biết: "Tôi sử dụng facebook được hơn 1 năm. Nhờ có facebook tôi đã kết nối với nhiều bác sĩ trong và ngoài nước, để trao đổi thông tin khoa học và kinh nghiệm, bổ sung nhiều kiến thức về y học, đặc biệt là gây mê hồi sức và giảm đau. Sau khi đăng một chia sẻ trên facebook nhằm phổ biến đến mọi người sự quan trọng của phương pháp cấp cứu bằng lipit 20%, tôi không ngờ nó tạo được tiếng vang lớn như thế. Tôi mừng vì nhiều người, hầu hết là các bác sĩ đã hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của biến chứng NĐTTTT và biết vai trò của lipid 20% trong điều trị.

Tôi cũng nhận được nhiều lượng like, hàng trăm yêu cầu kết bạn, mà chủ yếu là các đồng nghiệp làm công việc có liên quan đến gây tê như gây mê hồi sức, ngoại khoa, sản khoa, răng hàm mặt, tai mũi họng, thẩm mỹ…Nhiều người là đồng nghiệp gửi yêu cầu kết bạn cũng như trao đổi kiến thức, nhờ tư vấn tin nhắn facebook. Sau khi tôi đăng thông tin về ca điều trị này lên trang cá nhân, tôi phải... online liên tục để trả lời các câu hỏi liên quan, cũng như liên tục đăng tải các kiến thức cập nhật về điều trị NĐTTTT cả bằng tiếng Anh và Tiếng Việt để chia sẻ thông tin với các bạn. Việc này làm tôi cũng tốn nhiều thời gian nhưng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đã được chia sẻ những kiến thức bổ ích với mọi người qua facebook".

Ông Tuấn cho biết, ông sẵn sàng trao đổi với bất kỳ người nào khi cần ông tư vấn, hỗ trợ, bổ sung kiến thức về y học, đặc biệt là gây mê hồi sức và giảm đau. Vì theo ông chỉ có kiến thức y khoa cũng như các ngành khoa học khác đều thay đổi một cách nhanh chóng và faceboook là một phương tiên tuyệt vời để cập nhật kiến thức về chuyên ngành .


Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn (SN 1969) đang làm việc tại khoa Gây Mê và Hồi Sức của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM từ năm 2005 đến nay.

Bác sĩ Tuấn tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1991, sau đó ông là bác sĩ nội trú chuyên ngành về gây mê hồi sức từ 1992 đến 1995. Ông có thời gian dài làm việc tại Khoa Gây Mê Hồi Sức của Bệnh Viện Việt Đức Hà Nội trước khi chuyển vào TP. HCM làm việc

Ông có kinh nghiệm hơn 20 năm về gây mê hồi sức, ông là người có mối quan tâm hàng đầu về ứng dụng gây tê vùng để giảm đau cho phẫu thuật và giảm đau khác như ung thư, đau mãn tính

Bác sĩ Tuấn cũng từng học nội trú tại Pháp một năm, và các khóa ngắn hạn về Gây Mê Hồi Sức và Giảm Đau tại Thái Lan, Đài Loan, Thụy Sĩ. Singapore. Ngoài ra ông còn tự mình học tập, trao đổi kiến thức với các đồng nghiệp trong và ngoài nước.

Bác sĩ Tuấn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình nếu ai có mối quan tâm và cần ông tư vấn, hỗ trợ.

Theo Phạm An
Nguồn: http://kenh14.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét